I.- Dẫn nhập : Miền Nam sông không sâu, núi không cao, đất rộng, người thưa, lịch sử mở mang bờ cõi không dài, chỉ mới chừng 300 năm, vậy mà đã khai sinh ra nhiều mối đạo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Tứ Ân, Cao Đài, Hòa Hảo. Chắc chắn đức Phật Thầy Tây An là một vị nổi danh hơn cả, người Miền Tây không ai là không từng một lần nghe đến tên Ngài. Cho nên người Phật Tử chúng ta tìm hiểu về Ngài và ảnh hưởng của Ngài, tưởng cũng là một điều cần thiết.
II.- Tiểu sử : Miền Nam ngày trước sách vở ghi chép những sự kiện thật là hiếm hoi, chính vì vậy mà ngày nay khó tìm cho rõ nguồn gốc của đức Phật Thầy, căn cứ vào mộ bia, vào linh vị thì đức Phật Thầy sanh vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng Mười năm Đinh Mão (1807), chánh quán ở làng Tòng Sơn, nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tên họ Ngài là Đoàn Văn Nguyên, không rõ tên thân phụ và thân mẫu của Ngài, nhưng mộ của thân mẫu Ngài ở rạch Cái Nai thuộc An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ngôi mộ nầy người ta gọi là mộ Phật Mẫu.
Có lẽ khi còn niên thiếu thì song thân qua đời, từ đó Ngài đã đi tầm sư học đạo, người ta cũng không rõ Ngài đã đi học đạo ở đâu, với ai và bao lâu. Chỉ biết vào khoảng đầu năm 1849, Ngài trở về làng Tòng Sơn bằng chiếc xuồng con, tá túc ở mái sau đình làng.
Năm đó, bịnh “bệnh thời khí” nỗi lên ở những làng khác, rồi lan sang làng Tòng Sơn ( Vài mươi năm về trước, ở Việt Nam, bệnh thời khí là một thứ bệnh nguy hiểm, vừa ói mửa, vừa bị tiêu chảy nên thân thể mau mất nước và chết, còn dịch tả chỉ bị đi tiêu chảy, nhẹ hơn, nó lây lan nhanh chóng vì ruồi muỗi, vì thức ăn uống không nấu chín...).Theo lệ xưa, mỗi khi có bệnh thời khí hay bệnh dịch, Làng nhóm họp lại tại đình để bàn định việc đóng”bè thủy lục”, làm heo, gà, vịt, cúng vái để “tống ôn dịch” ra khỏi làng. (Bè thủy lục thường làm bè chuối để nổi trên nước, không tốn kém, to hay nhỏ đặng để đủ vật cúng, có khi có cả mái che như cái nhà, luôn luôn cắm cờ xí xanh, vàng, đỏ, vật cúng như heo, gà, tam xên, bánh trái, gạo muối...).
Trong khi làng đang nhóm họp như thế thì Ngài lại khuyên nên tin tưởng Trời, Phật tìm Thầy chữa trị, không nên giết hại súc vật cúng kiếng vừa mê tín, vừa mang tội sát sanh. Làng không bằng lòng lời Ngài khuyên và thấy Ngài là người lạ, không rõ tông tích đến cư ngụ tại đình, Làng quyết định sai Thị Sự báo cho Ngài phải rời khỏi làng, được thông báo nầy, Ngài xin Thị Sự sắm khai lễ, để Ngài trình làng về lai lịch của mình.
Do yêu cầu của Ngài, chức việc làng đã họp lại để nghe Ngài trình lai lịch, lúc đó người ta mới biết tổ phụ Ngài gốc gác người làng Tòng Sơn, trong làng còn có hai người anh em chú bác, đó là ông Đoàn Văn Điểu và ông Đoàn Văn Viên, hai ông nầy được làng cho đòi tới để kiểm chứng. Hai ông tới nơi không nhận biết Ngài, sau đó Ngài phải kể lại những chuyện xưa trong gia đình, lúc đó hai ông mới biết Ngài là thân tộc của mình. Việc nầy và ngôi mộ thân mẫu Ngài ở rạch Cái Nai, chứng tỏ gia đình đã rời khỏi làng khi Ngài còn niên thiếu, đã có đủ trí khôn để nhớ đến việc gia đình, và cũng vì khi Ngài rời khỏi làng lâu rồi, lúc Ngài còn quá nhỏ, nay trở về đã 43 tuổi nên hai người kia không thể nhận ra Ngài, vậy gốc gác Ngài chính thật là người làng Tòng Sơn.
III.- Hành đạo : Ngay sau khi trình bày lai lịch cho làng biết, nhận họ hàng anh em, Ngài mới giảng giải đạo lý cho mọi người nghe rồi liền xuống xuồng đi đến rạch Trà Bư thuộc xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, nơi đây Ngài vạch đế sậy bên bờ rạch, che túp lều tranh để ở. Anh em ông Điểu, ông Viên và vài dân làng Tòng Sơn bơi xuồng theo, mời Ngài trở về ở Tòng Sơn để gần họ hàng và trị những người bị bệnh dịch. Ngài từ chối trở về, nhưng cho biết có để lại một cây cờ ở sau đình để trị bệnh dịch. Những người ấy trở về làng, tìm thấy cây cờ, họ xé ra, đốt rồi pha nước cho người bệnh uống, người bệnh khỏi, khi nhiều người bệnh dùng hết cây cờ, người ta lấy cộc cờ đốt lấy tro pha với nước uống cũng khỏi, khi đã hết cờ, hết cán cờ, người ta lại kéo nhau vào rạch Trà Bư để xin thuốc chữa bệnh.
Thuốc của Ngài chỉ là giấy vàng (loại giấy mỏng, màu vàng thường người ta hay dùng để vẽ bùa với mực màu đỏ hay đen), tro, nhang hay bông hoa.
Rồi nghe tin ở làng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới) có dịch hoành hành, Ngài rời Trà Bư bơi xuồng đến rạch Xẻo Môn. Ở đây, Ngài chọn cách làm cho dân chúng phải tin một cách nhanh chóng, bằng cách đến nơi vào đêm khuya không ai hay biết, rồi Ngài ngồi trên bàn thờ thần hoàng của đình làng Kiến Thạnh (xưa kia ở vàm Chân Đùn, chớ không phải tại đình Long Kiến như ngày nay). Sáng sớm ông Từ vào trong đình, thấy trên bàn thờ thần có một người ngồi, ông thất kinh hồn vía, vừa la bài hải vừa chạy, Ngài gọi ông Từ lại và cho biết mình là Phật giáng trần để cứu dân, độ thế. Ông từ định tâm lại, người ngồi trên bàn thờ thần hoặc là bị bệnh “tâm thần” hoặc là “đấng siêu phàm”, cho nên ông Từ phải kiểm chứng lại, bằng cách yêu cầu Ngài trị bệnh thời khí cho một người còn trẻ tên Thuông ở ngay bên cạnh đình. Ngài nhận lời điều trị ngay và người ấy được cứu khỏi bệnh, từ đó người ta lan truyền ra, thiên hạ đua nhau đến xin phép để trị bệnh, Ngài vừa trị bệnh vừa giảng dạy mọi người ráng làm lành lánh dữ, niệm Phật, còn ông Thuông về sau làm đến chức Hương Cả trong làng.
Vì người ta tấp nập đến đình để xin thuốc chữa bệnh, Làng sợ bị quan trên quở trách vì tụ tập đông người tại đình, sẳn có cái cốc của ông Kiến không người ở, nên ba hôm sau, Làng yêu cầu Ngài sang đó cho tiện việc chữa bệnh, phát thuốc và khuyến đạo. Ở đây Ngài thâu nhận đệ tử và sửa sang cốc, bài trí cách thờ cúng, trên bàn thờ chỉ có “Tấm Trần Điều” (tấm vải nâu: tượng trưng cho thanh tịnh), nước lả và hoa. Về sau nơi đây cất thành chùa Tây An Cổ Tự, năm 1952, tướng Nguyễn Giác Ngộ khởi công cất lại chùa nầy, rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ (1953) làm lễ Khánh Thành, chùa cất rất khang trang cho đến nay.
Có lẽ có người vì tâm địa không tốt, hay vì lý do gì đó nên đã mật báo với Huyện Đông Xuyên (nay là Thị xã Long Xuyên) Ngài là ông đạo giả hiệu để tụ tập nhiều người, không có lợi cho sự trị an. Quan Huyện phải báo cho Tỉnh. Tổng Đốc tỉnh An Giang đã cho một người Cai và đội lính đến để đưa Ngài về tỉnh thẩm tra xem giả hay thật, có mưu đồ chi để phản nước hại dân không.
Tại đây người ta đã giam Ngài, lại bày ra những cuộc thử xem coi Ngài có thần thông, bùa phép gì không. Ngài đã chứng tỏ mình là bậc chân tu, ăn chay, niệm Phật lo cứu dân độ thế, khuyến giảng cho người ta biết ăn hiền ở lành, từ đó tỉnh báo về triều đình Huế, trường hợp của Ngài. Triều đình Huế vốn kính Phật, trọng tăng cho nên dạy Ngài muốn tu phải trở thành Tăng, xuống tóc, quy y Tam Bảo.
Ngài tuân theo chiếu chỉ của triều đình, cắt tóc và quy y đầu Phật. Lễ quy y do một vị Thiền sư dòng Lâm Tế thuộc phái Nguyên Thiều cử hành tại chùa Tây An, núi Sam, Ngài được đặt pháp danh là Pháp Tạng. Tóc đã cắt, Ngài phân chia gửi cho một số đệ tử, nay con cháu họ vẫn còn gìn giữ.
Sau khi quy y rồi, Ngài ở lại chùa Tây An để hành đạo và gần tỉnh thành cho các quan dễ bề theo dõi sự truyền bá đạo của Ngài.
Về chùa Tây An, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Lục Tỉnh Nam Việt Tập Hạ, viết về chùa này như sau: “Chùa Tây An ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên; nguyên Tổng đốc Mưu lược tướng Tuy Tĩnh Tử Doãn Uẩn kiến trúc năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước trông ra tỉnh thành, phía sau dựa theo vòm núi, tiếng người lặng lẽ, cổ thụ âm u, cũng một thắng cảnh thuyền lâm vậy.”
Từ chùa Tây An ở núi Sam, là ngôi chùa có Thiền Tông, không hợp với chủ trương truyền bá phương pháp tu của Ngài, nên Ngài lập trại ruộng ở Thới Sơn (xưa kia có tên là trại ruộng Hưng Thới), có trại để thờ phượng và tu theo đường lối Ngài chủ trương, sau nầy cất chùa là Thới Sơn tự, lại có một trại ruộng khác cách đó chừng hai cây số, nơi đây trước chỉ để hai con trâu (gọi là ông Sấm và ông Sét), sau nầy cũng cất chùa là Phước Điền tự. Hai nơi nầy Ngài giao cho hai đệ tử là ông Tăng Chủ và ông Đình Tây trông nom. Về sau đức Phật Thầy có lập trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh, nơi nầy Ngài giao cho đệ tử là đức Cố Quản Trần Văn Thành trông nom. Về sau con đức Cố Quản là ông Hai Nhu cất chùa, đặt tên là Bửu Hương Các tự, nay thuộc Thạnh Mỹ Tây, quận Châu Phú tỉnh An Giang.
Ngài viên tịch tại chùa Tây An vào trưa ngày 12 tháng Tám năm Bính Thìn (1856), thọ 50 tuổi đời, Ngài chỉ hành đạo khoảng 7 năm. Mộ Ngài hiện nay ở tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam, Châu Đốc, đặc biệt mộ không có đấp nấm mồ, chỉ là khoảng đất bằng, quanh năm không có cỏ mọc. Có dựng bia mộ bằng đá. Người ta truyền tụng rằng đức Phật Thầy dạy: Người chết dùng 7 miếng tre cho Nam hay 9 miếng tre cho Nữ bó chiếu rồi đem chôn, mồ không cần đấp nắm.
Linh vị của Ngài ghi :
Ngươn sanh Đinh mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhật, ngọ thời, hưởng dương ngũ thập tuế.
Cung thỉnh Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế, thượng Pháp hạ Tạng tánh Đoàn, pháp danh húy Minh Huyên đạo hiệu Giác linh chứng minh.
Vãng ư Bính Thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời nhi chung.
IV.- Chủ trương và lập phái Bửu Sơn Kỳ Hương : Chùa Tây An ở núi Sam thờ nhiều tượng Phật và Bồ Tát, đây là chùa Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế, chỉ là nơi Ngài quy y và tạm ở tu, gần tỉnh thành cho quan lại của triều đình dễ bề kiểm soát. Còn đức Phật Thầy có đường lối, chủ trương riêng như thờ cúng đơn giản, tại các trại ruộng do Ngài lập ra, bàn thờ chỉ trang thiết một tấm trần điều, cúng nước lạnh, bông hoa, nhang đèn, chỉ niệm lục tự Di Đà chứ không có tụng kinh. Ngài có dạy cho đệ tử thân cận những phép tu luyện, họ có thể trị bịnh bằng phù phép, về giáo lý Ngài dạy chung cho tín đồ tựu trung là: “Học Phật, tu nhân”.
Về học Phật căn bản là Tam học : Giới, Định, Huệ.
Về tu nhân là phải lo báo đáp bốn ân : Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Cho nên về sau, những người tu theo đường lối của Ngài, người ta gọi là tu theo đạo Hiếu Nghĩa. Về sau người ta đã lập ra Giáo Hội Phật Giáo Tứ Ân
Những người quy y với Ngài hay đệ tử của Ngài, họ được cấp cho một Điệp quy, thường người ta gọi là “tờ phái” hay “lòng phái” là một tờ giấy vàng, có in dấu son chữ Hán: Bửu Sơn Kỳ Hương, nên cũng được gọi là Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Bài sau đây tương truyền của Đức Phật Thầy Tây An :
MƯỜI ĐIỀU KHUYẾN TU ( 1 )
- Điều thứ nhất Thầy khuyên nên nhớ,
Lòng trung kiên muôn thuở còn nêu.
Dầu ai nặng nhẹ trăm điều,
Quyết không bỏ lý cao siêu của Thầy.
Nhiều thử thách đang vây con đó,
Nếu ngã lòng công khó tiêu tan.
Việc chi còn ở trần gian,
Là điều huyễn hoặc chớ mang nơi lòng.
- Điều thứ hai Thầy mong đệ tử,
Tình bạn bè phải giữ thuỷ chung.
Luôn luôn tha thứ khoan dung,
Như khuyên nhỏ nhẹ chớ dùng lời thô.
Dìu dẫn nhau điểm tô công quả,
Phải thật thà với cả chung quanh.
Thiệt thòi cam chịu đã đành,
Vô vi phẩm vị Thầy dành cho con.
- Điều thứ ba vẹn toàn hạnh đức,
Tuy bán buôn cơ cực tảo tần.
Đổi công nuôi lấy tấm thân,
Đừng ham mến chuyện phi nhân gạt lường.
Dù vàng bạc đầy rương tràn tủ,
Cuộc trần nầy chưa đủ con ơi.
Ác gian cũng chỉ một đời,
Thà nghèo trong sạch, thảnh thơi linh hồn
- Điều thứ tư pháp môn quy luật,
Lục, thập chay cố sức trau dồi.
Thịt thà xương máu tanh hôi,
Cỏ cây rau cải cũng rồi bửa ăn.
Đức Từ Bi thường hằng thể hiện,
Không sát sanh lòng thiện ta còn.
Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon,
Còn hơn thú vị cơm chan máu hồng.
- Điều thứ năm quyết không hờn giận,
Ghét ganh chi cho bận lòng mình.
Con xem vạn quyển thiên kinh,
Hiền nhân quân tử rộng tình vô câu.
Muôn việc xảy bắt đầu sân nộ,
Là nguyên nhân thống khổ ly tan.
Chân truyền chánh pháp đạo tràng,
Tập xong chữ nhẫn Niết Bàn không xa.
- Điều thứ sáu thiết tha Thầy dặn,
Ngày hai thời lẳng lặng công phu.
Việc chi dầu quá cần cù,
Cũng nhân vài khắc tập tu nguyện cầu.
Khi rảnh việc đồng sâu chợ búa,
Đem sấm kinh tự của Thầy ban.
Học cho thông thuộc đôi hàng,
Ngâm nga trong lúc thanh nhàn, băng khoăng.
- Điều thứ bảy quyết tăng công quả,
An ủi người già cả ốm đau.
Tùy duyên có thể giúp vào,
Lâm cơn hoạn nạn khi nào cần con.
Phước đức đó vẫn còn muôn thuở,
Tuy vô hình đừng ngỡ rằng không.
Con ơi ! Trong chốn trần hồng,
Mãy ai nghĩ đến cõi lòng thanh cao.
- Điều thứ tám lời nào Thầy dạy,
Dầu khổ lao chớ nại công trình.
Biết rằng con phải hy sinh,
Phật tiên đâu nở quên tình hay sao.
Đừng chấp việc núi cao rừng thẩm,
Hay là đường muôn dặm xa trông.
Hể con thề giữ trọn lòng,
Đương nhiên đắc đạo thoát vòng tử sinh.
- Điều thứ chín đạo lành căn bản,
Giữ làm sao có bạn không thù.
Từ đây con nhớ rằng tu,
Hạ mình nhận lỗi mặc dù là không.
Lời nói sao hòa trong hiệp ngoại,
Đừng hơn người nếu phải ép lòng.
Không ham những chuyện mênh mong,
Vừa no, đủ ấm đèo bồng làm chi.
- Điều chót hết mười ghi trăm nhớ,
Phật, Pháp, Tăng con chớ quên ơn.
Gia đình nghĩa trọng nhiều hơn,
Tình thương xã hội giúp cơn thiết cần.
Ơn tổ tiên dành phần con cháu,
Đó những lời dạy bảo Thầy mong.
Con ơi hãy khá ghi lòng,
Bãy nhiêu tâm huyết, mấy dòng thi văn.
*
V.- Môn nhân đệ tử : Người ta tin tưởng rằng đức Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo là hậu thân của đức Phật Thầy, vì đức Phật Thầy có dạy rằng :
Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lệnh tài bồi trần gian.
Cây dầu ở chùa Tây An cổ tự, do đức Phật Thầy ở núi Sam sai người đem về trồng, một cây ở trước, ba cây ở sau chùa, cây ở trước chùa đốn từ năm Mậu Ngọ (1918), gốc đã mục mà đến năm Mậu Dần 1938 lại mọc lên cây, thật là hy hữu chưa từng có, năm 1939 đức Huỳnh giáo chủ khai sáng đạo, ứng với câu sấm truyền ở trên.
Về đệ tử, đức Phật Thầy có 12 vị lỗi lạc nhất được gọi là “Thập Nhị Hiền Thủ”, nay chỉ biết một số vị:
A ) Đức Cố Quản Trần Văn Thành ( ? - 1873 ) : Người làng Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, làm chức Chánh Quản Cơ dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức. Ông quy y với đức Phật Thầy ở Xẻo Môn, sau khi đức Phật Thầy vào núi Sam cất chùa, ông giao hết ruộng đất, nhà cửa cho cháu, rồi đưa cả vợ con theo đức Phật Thầy, ông được giao cho trông nom trại ruộng ở Láng Linh. Sau khi 3 tỉnh miền Tây mất, ông có chiêu binh chống lại Pháp, ở Bải Thưa và Láng Linh, một trận Pháp bao vây năm 1873 ông bị mất tích, nghĩa quân tan rã. Một đời của ông vì đạo, vì nước, đúng với tôn chỉ tu nhân của đức Phật Thầy. Ông là đệ tử đầu tiên của đức Phật Thầy, vừa cao niên, lại có chức phận Chánh Quản Cơ đàng cựu, nên người đời tôn xưng ông là đức Cố Quản. Ông được Phật Thầy giao cho cắm bốn cây thẻ quanh vùng Thất sơn, một cây ở Kinh đào, một cây ở Vĩnh Hanh, còn hai cây kia người ta không nhớ, đức Phật Thầy dạy về sau đừng ở trong khu vực bốn cây thẻ đó, vì khi tới đời, núi nổ có đền đài cung điện, đá văng sẽ chết người.
B) Ông Tăng Chủ ( ? ) : họ Bùi, không rõ tên thật, không vợ không con, có lẽ vì ông làm chủ trại ruộng, sống như vị Tăng cho nên người ta gọi ông là Tăng chủ - có người cho là đức Phật Thầy đặt tên là Tăng Chủ- và ông cũng thường ngồi thiền để tu luyện như một thiền sư, cho nên ngày nay mộ bia ông ghi: “Tăng Chủ Bùi Thiền Sư”.
C) Ông Đình Tây (1802-1890) : Tên thật là Bùi Văn Tây, không rõ gốc tích (có người cho là gốc gác ở Năng Gù, huyện Châu Thành tỉnh An Giang, điều nầy chắc không đúng, vì kẻ viết bài là người Năng Gù, chưa từng nghe ai nói như vậy), là cháu cũng là con nuôi của ông Tăng Chủ, người được đức Phật Thầy giao cho những vật để bắt sấu thần gọi là “Ông Năm chèo”.
D) Ông Nguyễn Văn Xuyến (1834-1914) : Còn gọi là Đạo Xuyến, quê ở Ba Giác, Mõ Cày tỉnh Bến Tre, quy y với đức Phật Thầy khi ông lên 17 tuổi, cách đi giảng đạo của ông là đi ghe giăng buồm chạy trên sông, khi hết gió ngừng lại chỗ nào thì giảng đạo chỗ đó, ông đi quanh vùng Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên giảng đạo. Ông có dựng chùa Châu Long Thới ở Cái Dầu, Châu Đốc.
E) Ông Đạo Ngoạn (1820-1890) : Tên thật là Đặng Văn Ngoạn, người làng Nhị Mỹ, Cao lãnh tỉnh Đồng Tháp. Ông có lập chùa ở Trà Bông (Cao Lãnh) và có nhiều đệ tử ở đây.
G) Ông Đạo Lập ( ? ) : Tên thật là Phạm Thái Chung, quê quán ở xã Đa Phước, còn gọi là Cồn Tiên, ở bên kia thành phố Châu đốc, đối diện với Châu Giang, gọi là Đạo lập vì ông có lập ngôi chùa Bồng Lai tại Bài Bài, thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Ông là một cao đệ của đức Phật Thầy có tài ba, huyền thuật kì bí, Phật pháp ông cao thâm, tín đồ đông đảo.
H) Ông Đạo Lãnh ( ? ) : Còn gọi là ông Hai Lãnh, không rõ gốc gác ở đâu, ông có vợ là bà Nguyễn Thị Ngôn ở Nhà Bàn, tỉnh An Giang, hai ông bà đều là đệ tử của đức Phật Thầy. Năm 1859, người Miên nỗi loạn ở Láng Cháy, vợ con chết hết trong trận nầy, ông mới tu và đắc đạo, trị bệnh cho nhiều người, sau lên Gò Sặt ở Kampuchea hành đạo, có nhiều đệ tử người Miên. Ông tịch và thiêu ở nơi đây. ( 2 )
VI.- Những Vấn đề cần nêu lên :
- Đức Phật Thầy trị bệnh bằng phù phép : Điều nầy hiển nhiên, cho chúng ta biết Ngài có thần thông hay quyền năng, Ngài dùng nó để cứu dân, độ thế và đệ tử chân truyền của Ngài cũng dùng nó để cứu nhân độ thế, khuyên người ta ăn hiền ở lành, lo niệm Phật. Những đệ tử không thân cận, đức Phật Thầy không hề dạy pháp bí truyền.
- Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông : Theo bài vị, pháp hiệu Ngài là Minh Huyên, điều nầy hoàn toàn đúng với phổ hệ Lâm Tế của Thiền sư Đạo Mân, được Ngài Nguyên Thiều truyền ở trong Miền Nam. Gần đây, Phật Giáo tỉnh Đồng Nai, khám phá ra có ngôi chùa Kim Cương và tháp của Ngài Nguyên Thiều, tọa lạc ở Bến Cá, gần núi Bửu Long thành Phố Biên Hòa, điều đó càng chứng tỏ Tổ Nguyên Thiều có truyền đạo ở miền Nam, theo phổ hệ ấy có :… “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên, Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ, Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.”. Ngài Đạo Mân là tổ Thiền Tông phái Lâm Tế thứ 31 theo đó chữ Minh thuộc đời thứ 38. Đức Phật Thầy đã quy y theo dòng Lâm Tế thuộc chùa Giác Lâm, nên sau khi Ngài tịch, không có đệ tử nào của Ngài là Tăng, bởi vì đệ tử của đức Phật Thầy đều là cư sĩ, chỉ trừ có Tăng Chủ không vợ con và có lẽ ông hay ngồi thuyền luyện đạo cho nên được gọi là Thiền sư, vả lại Ngài truyền mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, chớ không phải truyền đạo Phật dòng Lâm Tế.
- Phép thờ cúng khác với chùa chiền : Mặc dầu đức Phật Thầy dạy người ta tu học theo Phật, nhưng cách thờ cúng chỉ có thờ tấm trần điều, cúng nước lã, bông hoa và niệm Nam Mô A Di Đà Phật, chớ không có tụng kinh, chuông mõ. Đời sống thì khai khẩn đất đai làm ruộng nương, tự túc. Dù hình thức bị khép vào Thiền Tông, nhưng Ngài vẫn thi hành riêng con đường hành đạo của Ngài, lập ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Tu rất giản dị, chung lộn với thế nhân để hành Bồ Tát đạo, lo trị bệnh cứu nhân, độ thế, khuyến giảng để mọi người ăn hiền ở lành, lo làm ăn và tu tâm niệm Phật.
- Những nạn tai gánh chịu : Đức Phật Thầy, Huỳnh giáo chủ, Minh Đăng Quang tổ sư là những vị ngộ đạo, chỉ hành đạo một thời gian rất ngắn, phải gánh chịu những nạn tai rất lớn cho cá nhân mình, chỉ có đức Phật Thầy là nhẹ hơn hết.
- Ông Năm Chèo : Người ta tin nó là con sấu thần, có năm chân ( như ghe có năm chèo, để chèo trên sông nước) mũi đỏ, ẩn mình dưới cù lao nào đó, sau sẽ nổi lên ở Vàm Nao, há miệng ra ăn thịt tất cả những người không có tu nhân tích đức.
Theo truyền khẩu, một đêm kia đức Phật Thầy vào trại ruộng Thới Sơn dạy ông Đình Tây đi xuống Láng Linh để cứu người, ông liền tức tốc xuống vùng đó, có người đàn bà đang đau bụng đẻ, nhà đơn chiếc, ông Đình Tây liền lo cất chòi, rước mụ cho người ấy sanh (hồi xưa, cách nay chừng 30 năm, ở nhà quê có người sanh, phải che một cái chòi bên cạnh nhà cho người ấy sanh, rước một bà mụ vườn để lo đở đẻ, cắt rốn cho trẻ sơ sanh).
Gia đình nghèo, người chồng tên Xinh phải đi câu phược (đi câu cá lóc ban đêm), khi trở về thấy vậy, người chồng mang ơn vô cùng, sẳn trong giỏ có con sấu mũi đỏ, năm chân, cho là con vật kỳ lạ nên anh ta biếu ông Đình Tây để đền ơn. Ông Đình Tây nuôi vài năm đã lớn, nó bỏ đi bắt vịt của người ta để ăn, sự phá hại ấy làm cho nhiều người kêu ca, ông Đình Tây không bắt nó lại được nên trình cho đức Phật Thầy rõ, Ngài cho biết nó là con vật linh, sau nầy nó sẽ nổi lên ở Vàm Nao (nơi sông Tiền Giang và Hậu Giang giao nhau ở vùng Hòa Hảo), nó sẽ ăn thịt tất cả những người không tu hành, do đó Ngài rèn một lưỡi câu, một cây mum, hai cây lao và đánh một sợi dây ngũ sắc, giao cho ông Đình Tây để sau nầy, dùng những vật ấy câu bắt con sấu thần có năm chân, được mệnh danh là “Ông Năm Chèo” đó.
Theo chỗ chúng tôi nghĩ, con sấu ấy có thật, các vật để câu sấu có thật, ngày nay con cháu ông Đình Tây ở Nhà Bàn, Châu đốc còn giữ, nhưng con sấu ấy cả trăm năm rồi, nó chẳng hề ăn vịt, bắt người nào cả. Đáng lý ra, nó cũng phải nổi lên mặt nước để thở, để bắt mồi, phải ăn để sống chớ, vậy mà tuyệt nhiên không có những việc ấy xảy ra, cho nên chúng ta phải hiểu đây là việc đức Phật Thầy dùng làm CƠ để răn đời, bởi vì ai mà không sợ “sấu tha, ma bắt !”, nhưng khi làm việc ác nhân thất đức, thì lại không sợ tội phước, chẳng màng đến nhân quả, cho nên Ngài dùng ông Năm Chèo để răn dạy những người ở ác phải rán mà tu nhân.
Có người nói rằng theo như sợi dây, lưỡi câu là những thứ không thể nào đủ sức giết một con vật sống lâu như vậy, và cho biết rằng theo như CƠ ấy mà suy ra thì, con sấu đầu Đỏ chỉ cho Cộng Sản, nổi ở Vàm Nao tức là Vào Nam, năm chân tức là ngôi sao vàng 5 cạnh, ai cũng vào bụng nó tức là ai cũng phải làm lý lịch nộp cho chúng, và phải câu nó bằng sợi dây ngũ sắc, đó là phải câu nó bằng : Ăn uống, ngủ nghỉ, tiền tài, danh lợi và sắc đẹp. Giải thích như vậy, nghe qua cũng có lý, nhưng đúng hay sai chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.
-Lục Tổ và đức Phật Thầy : Tại chùa Pháp Tánh, Ấn Tông đã tổ chức lễ quy y cho Lục tổ, đức Phật Thầy cũng phải quy y với một vị Hòa Thượng dòng Lâm Tế thuộc chùa Giác Lâm, Sàigòn ngày nay, chắc cũng phải tổ chức tại ngôi chùa nào đó trong vùng thị xã Châu đốc, tiếc rằng chi tiết nầy ngày xưa không ai truyền lại. Cho nên dù tu cho đến bực nào, đều cũng phải làm lễ quy y Tam Bảo.
- Danh từ Phật Thầy và Bửu Sơn Kỳ Hương : Chúng ta biết chắc rằng, đức Phật Thầy có những thần thông, có tấm lòng từ lớn, trị bệnh cứu đời, giảng đạo vang danh lục tỉnh, làm cho biết bao nhiêu người tin theo, họ tôn xưng Ngài là Phật Thầy vì đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni được tôn danh là đức Phật Tổ, dưới Tổ là Thầy, vì lẽ đó mà tôn xưng Ngài là đức Phật Thầy.
Còn Bửu Sơn Kỳ Hương, hiểu nôm na là núi báu có mùi thơm kì lạ, danh tự ấy trước tiên, nó có trong tên Bửu Hương Các ở trại ruộng Láng Linh ( núi Liên Hoa Sơn tục gọi là núi Tượng, cũng gọi là núi Voi còn có tên là Kỳ Hương, xét ra không có liên quan gì với chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, vì chỉ có Thiên Cấm Sơn hay núi Cấm, mới là nơi quan trọng, quý báu. Vì theo đức Phật Thầy dạy, sau nầy núi sẽ nổ ra, trong ấy có đền vàng, điện ngọc, có Minh vương ra đời ).
Sở dĩ mối đạo của đức Phật Thầy được gọi là BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, vì người nào sau khi quy y với đức Phật Thầy, ngài đều phát cho đệ tử của mình một tờ phái, trong lòng tờ phái ấy có ghi chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, vì vậy người sau mới gọi Đạo Phật của Ngài là Bửu Sơn Kỳ Hương.
Đức Huỳnh Giáo chủ giảng về Bửu Sơn Kỳ Hương như sau :
BỬU ngọc trường quang ẩn tích kì,
SƠN đài lộ vẻ liễu huyền vị
KỲ thâm tá giả thi thành thuỷ,
HƯƠNG vị âm thầm mộc tuý vi.
NĂM năm lục ngoạt cơ hàn thử,
NON lịch đài mây rạng tu mi.
BẢY niên hòa địa nhơn hiền thủ,
NÚI ngự Hoàng san tự Đỉnh Chi.
Theo sưu tầm của ông Vương Thông, những người xưa kể lại thì :
Chữ BỬU là hiệu Phật Vương,
Chữ SƠN Phật Thầy tin tưởng phước dư.
Chữ KỲ là hiệu Bổn Sư ( 3 ),
Chữ HƯƠNG Phật Trùm ( 4 )bốn chữ phải mang.
VII.- Kết luận : Đạo Phật thuở miền Nam còn sơ khai, chắc chắn là chưa có tổ chức nề nếp, giáo Pháp cũng không được chân truyền, người ta tin nhiều nơi Ông Tà, bà cốt, người ta bị mê tín dị đoan. Đức Phật Thầy ra đời để sửa sang mối đạo, Ngài phải mượn những phương tiện bùa chú để cho mọi người tin theo, từ đó Ngài mới dạy người ta làm lành lánh dữ, ăn chay, niệm Phật , dạy người Phật Tử phải có bổn phận đền trả bốn ân, trong đó có ân đất nước, do đó tinh thần bảo vệ đất nước, chống Pháp, chống ngoại xâm đã được Ngài gieo trồng từ đó.
Công đức Ngài to lớn biết bao đối với đạo Pháp và Dân tộc, ảnh hưởng Ngài vẫn còn sâu rộng ở các tỉnh miền Hậu Giang. Ai có đến núi Sam, hãy vào chùa Tây An viếng mộ Ngài, thắp nơi đó một nén hương, tâm thành chắc vẫn được Ngài chứng cho; vùng Thất Sơn kia, ngày nào có người tu, vẫn còn ngộ đạo. Thật là Bửu Sơn Kỳ Hương vậy.
Ngày 23-3-1997
Bổ khuyết 26-10-2008
Bổ khuyết 26-10-2008
Stk : - Nguyễn Văn Hầu và Dật Sĩ Trần Văn Nhật Thất Sơn Màu Nhiệm , Thiền Lâm, USA, 1996
- Tái Lâm Ông Sư Vãi Bán Khoai, Thiền Lâm, USA, 1996
- Huỳnh Bá Nhệ và Nguyễn Văn Sáu Gia Phả Họ Phan và Họ Nguyễn, Việt Nam, 1974
Ghi chú :
1.- Chép vào năm 1985, theo bản chép tay của ông Nguyễn Văn Mùi ở Gia Định.
2.- Người ta cho rằng ông Đạo Lãnh là thuộc tướng của đức Cố Quản, điều nầy hoàn toàn không đúng. Theo quyển gia phả do ông Huỳnh Bá Nhệ, giáo học tại Thị Xã Châu đốc và ông Nguyễn Văn Sáu, giáo học trường Tiểu Học Chợ Quán lập, có ghi sự tích ông Hai Lãnh : Ông Hai Lãnh có vợ là bà Nguyễn Thị Ngôn ở Nhà Bàn, tỉnh An Giang, hai ông bà đều là đệ tử của đức Phật Thầy, năm Kỹ Mùi 1859, Miên nỗi loạn ở Láng Cháy, ông bị Miên bắt với người em dâu thứ Năm của vợ và mấy đứa cháu. Bà Ngôn thấy chồng, em dâu là vợ của Năm Tín, và mấy cháu bị bắt, nghĩ rằng tất cả sẽ bị giặc giết nên bà bồng con vào nhà nổi lửa tự thiêu cả hai mẹ con, về sau bà cũng hiển linh lắm ( ông Sĩ Hiền có đăng một bài báo về sự linh hiển của bà hai Ngôn, vợ ông Lãnh đã cứu một đoàn nghĩa binh chống Pháp năm 1946, Báo Đuốc Nhà Nam ngày 22-6-1970 ), ông Năm Tín trốn gần đó, thấy chị mình tự thiêu chạy về định cứu, bị hai tên giặc Miên bắt, ông nắm kéo cả hai tên Miên vào nhà chết cháy luôn.
Giặc Miên lúc đó, hể ai bị bắt mà có vợ, có chồng thì tha, do đó vợ Năm Tín bèn chỉ ông Hai Lãnh là chồng, giặc tha cả hai và mấy con của người em. Ông Hai Lãnh được tha về, vì em dâu nhận mình là chồng, ông cho đó là sự loạn luân, lại thêm cảnh thê thảm, giặc giết dân làng, vợ con, em vợ bị chết, ông buồn bỏ nhà đi lang thang (có thể ông đã luyện đạo trong thời gian nầy chăng ?), lúc ấy ông hiển đạo, biết việc quá khứ, vị lai và trị bệnh rất linh nghiệm, cả người Miên cũng phục ông, nhức đầu, ông lấy tay vỗ lên trán, bệnh khác nặng nhẹ ông cho uống nước lã dạy niệm Phật sẽ khỏi, ông có chế thuốc cao và bán khoai lang ở kinh Vĩnh Tế, ông có ra cuốn sấm giảng “ Ông Bán Khoai” , vài năm sau ông lên Gò Sặt tu, bổn đạo ông khá đông là người Miên, sau ông tịch ở Gò Sặt, trong những vật dụng thiêu với ông, có một cây lọng bằng giấy cán tre không cháy, cháu ông để thờ, trong nhà trẻ con bệnh, mài cán lọng pha với nước uống thì khỏi. Theo sự cúng giỗ của cháu vợ (con ông thứ Tư), ông mất vào ngày 14 tháng 4 âm lịch ( không rõ năm nào).
Ông truyền dạy cho người trong gia đình, khi ra khỏi nhà, khi đi đâu trở về nhà, lúc lên giường ngủ, lúc thức dậy nên niệm Nam Mô A Di Đà Phật .
3 .- Bổn Sư ( ? - 1909) tên thật là Ngô Lợi, sanh ở Dội gần Mộc Bài, biên thùy Việt Miên thuộc Châu đốc, Ngài trị bệnh, truyền đạo, pháp thuật cao cường.
4 .- Phật Trùm ( ? - 1915), ông là người Miên, ở Sóc Lương Phi, núi Tà Lơn, tịnh Biên, Châu đốc, năm 1868, ông bị bệnh thời khí chết, rồi sống lại, nói tiếng Việt, bắt vợ con ăn ở như người Việt, ông hay dùng đèn sáp đốt cho bệnh nhân xem và ngửi mà hết bệnh, nên còn gọi là ông Đạo Đèn, còn ông tự xưng :
Tuy là phần xác của Miên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét